Nguồn gốc và nội hàm của thuật ngữ “ Đổi mới sáng tạo” ( innovation)

Thuật ngữ đổi mới sáng tạo (innovation) lần đầu tiên đã chính thức được đưa vào Luật Khoa học và Công nghệ của Việt Nam năm 2013 trong khoản 6 Điều 3 về giải thích từ ngữ như sau “Đổi mới sáng tạo (innovation) là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa”. Việc đưa thuật ngữ đổi mới sáng tạo từ thuật ngữ tiếng Anh là innovation trong Luật Khoa học và Công nghệ ở nước ta là một quá trình nhận thức cũng giống như sự phát triển về nhận thức của khái niệm này trên thế giới. Tuy vậy, ở Việt Nam thuật ngữ tiếng Anh “innovation” trong các từ điển Anh – Việt được dịch sang tiếng Việt là “đổi mới “hoặc “cách tân” nên để tìm hiểu được quá trình hoàn thiện khái niệm này, chúng ta cần tìm hiểu bản chất của thuật ngữ này từ tiếng Anh cũng như sự phát triển khái niệm này trong thực tế triển khai trên thế giới.

1. Khái niệm chung về đổi mới sáng tạo (innovation)

Trong mục này xin được sử dụng nguyên bản thuật ngữ “innovation” bằng tiếng Anh để thể hiện sự tìm hiểu ý nghĩa của sự phát triển thuật ngữ này trên thế giới. Xem xét từ điển tiếng Anh – Anh trong một số từ điển ta thấy thuật ngữ innovation được hiểu là: 1. Một cái gì mới hoặc một cái gì khác biệt được đưa ra (“something new or different introduced”) 2. Một cái gì đó được đưa ra theo một cách mới, thí dụ như một phương pháp mới hay một thiết bị mới (“something newly introduced, such as a new method or device”) 3. Hoạt động của đổi mới; việc đưa ra các thứ mới hoặc các phương pháp mới (“the act of innovating; introductionof new things or methods”) . Như vậy “innovation” trong thuật ngữ tiếng Anh là một khái niệm rất rộng và ví dụ thường được đưa ra liên quan đến công nghệ và phương pháp.


Với định nghĩa như trên, “innovation” là một khái niệm rất rộng, được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực, các ngành ở tầm vĩ mô và cho các doanh nghiệp, các tổ chức ở tầm vi mô. Tra cứu từ “innovation” trên Google cho thấy xuất hiện khoảng 121.000.000 kết quả trong vòng khoảng 0,53 giây, trong đó có rất nhiều kết quả về “innovation” trong các lĩnh vực, ngành như y tế, khí hậu, giáo dục, công nghệ thông tin cho đến các trường, doanh nghiệp.
Để cụ thể hóa hơn thuật ngữ này cho doanh nghiệp, Wikipedia định nghĩa “innovation” như sau: “Innovation là tìm ra cách làm một cái gì đó tốt hơn. Innovation có thể được xem như việc ứng dụng các giải pháp tốt hơn để đáp ứng các yêu cầu mới, các nhu cầu còn mơ hồ hoặc các nhu cầu của thị trường hiện có. Việc đó được hoàn thành thông qua việc có được các sản phẩm, các quy trình, các dịch vụ, các công nghệ hoặc các ý tưởng hiệu quả hơn khi chúng được đưa ra thị trường, được các chính phủ và xã hội sử dụng”. Như vậy, theo định nghĩa này, một cái gì đó mới hơn đã được cụ thể hóa bằng các sản phẩm mới, các dịch vụ mới, các công nghệ mới hoặc ý tưởng mới và những cái mới đó phải đem lại hiệu quả hơn và phải thể hiện được trong việc xâm nhập được thị trường và được xã hội đón nhận và sử dụng.


2. Từ “đổi mới công nghệ” đến “đổi mới sáng tạo”

Trong cuốn “Innovation” (được dịch là “Cách tân”), Curtis R. Carlson và William W.Wilmot (2006) đã tiến hành hỏi một nhóm người câu hỏi “Đổi mới sáng tạo là gì?” thì hầu như đã nhận được câu trả lời liên quan đến đột phá công nghệ, sáng chế mới, mô hình kinh doanh mới, quy trình sản xuất mới, thiết kế sáng tạo mới. Nhưng đó chưa phải là đổi mới sáng tạo. Hai tác giả trên đã đưa ra dẫn chứng về việc có thể sáng chế ra cái gì đó nhưng vẫn không có một đổi mới sáng tạo nào. Ví dụ Philo Farnsword sáng chế ra TV vào năm 1927, nhưng chính David Sarnoff, người sáng tạo ra kỹ thuật truyền hình, mới là người mang TV trắng đen đến cho người tiêu dùng vào năm 1939. Ông đã phát triển một mô hình kinh doanh thành công trong đó truyền hình, máy quay phim, trạm phát sóng truyền hình, nội dung chương trình và quảng cáo được đặt chung lại với nhau. Farnsword đã sáng chế ra một thiết bị, trong khi Sarnoff là một nhà đổi mới sáng tạo đã ghép nối tất cả các yếu tố lại với nhau và tạo ra một ngành công nghiệp. Từ đó hai tác giả đã cho rằng phát minh, một phần của đổi mới công nghệ là chưa đủ mà “đổi mới sáng tạo phải mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng” và giá trị cho khách hàng được định nghĩa như là lợi ích của sản phẩm hoặc dịch vụ trừ đi giá thành của nó. Giá trị cho khách hàng không chỉ bao gồm các lợi ích hữu hình của sản phẩm hay dịch vụ, ví dụ như màn hình máy tính có độ phân giải cao hơn, hay có thể là các nhu cầu vô hình, ví dụ như sự tiện lợi, dịch vụ và thảo mãn cá tính của người sử dụng.


Allian Afuah (2002) trong cuốn “Quản trị quá trình đổi mới & sáng tạo” đồng ý với luận điểm đổi mới sáng tạo bao gồm phát minh (invention) được thương mại hóa (commercialization). Đổi mới sáng tạo không chỉ là phát minh mà là việc sử dụng tri thức mới để tạo ra một dịch vụ hoặc sản phẩm mới mà khách hàng mong muốn. Tác giả cũng cho rằng đổi mới sáng tạo cũng là việc tiếp nhận các ý tưởng mà các ý tưởng này là mới đối với tổ chức tiếp nhận và để trở thành một đổi mới sáng tạo, một ý tưởng phải được chuyển thành sản phẩm hoặc dịch vụ mà khách hàng mong muốn. Để có được đổi mới sáng tạo thì đổi mới kỹ thuật là chưa đủ mà đòi hỏi cả đổi mới quản lý để sản phẩm hoặc dịch vụ được đưa ra thị trường. Đổi mới kỹ thuật là những sản phẩm, dịch vụ hoặc các quy trình được cải thiện hoặc được làm mới hoàn toàn. Một đổi mới kỹ thuật có thể là một sản phẩm (product) hoặc một quy trình (process). Các đổi mới sản phẩm là sản phẩm hoặc dịch vụ mới được đưa ra để đáp ứng một nhu cầu thị trường. Các đổi mới quy trình là các nhân tố mới được đưa vào trong hoạt động sản xuất hoặc quy trình vận hành dịch vụ của một tổ chức – nguyên liệu đầu vào, chi tiết kỹ thuật, cơ chế phân luồng thông tin và công việc, và các thiết bị được sử dụng để tạo ra sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ mới. Đổi mới quản lý liên quan đến cơ cấu tổ chức và các quy trình quản trị.


Nhận thấy đổi mới công nghệ (technology innovation) bao gồm “đổi mới sản phẩm và đổi mới quy trình” là chưa đủ để doanh nghiệp tồn tại và phát triển, Akio Morita, người đồng sáng lập tập đoàn Sony của Nhật Bản năm 1985 tại một hội nghị tại Paris đã phát biểu: “Tôi nói rằng có ba loại hình sáng tạo: sáng tạo về công nghệ, sáng tạo về kế hoạch hóa sản phẩm và sáng tạo về marketing. Nếu chúng ta chỉ có một trong ba loại hình sáng tạo này mà thiếu mất hai loại hình kia thì chẳng khác nào tự đánh bại mình trong kinh doanh”. Mạnh mẽ hơn, Lee Kun Hee, chủ tịch tập đoàn Samsung của Hàn Quốc trong Tuyên bố kinh doanh mới của Samsung ngày 7/6/1993 nói: “Hãy thay đổi tất cả, trừ vợ và con cái bạn”. Tán thành các ý kiến nêu trên, Peter Skarzunski và Rowan Gibson (2007) cũng cho rằng “Nếu muốn có cơ hội tăng trưởng nhanh hơn mức trung bình của ngành hoặc của toàn nền kinh tế, họ sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài đổi mới về sản phẩm, về mô hình kinh doanh và thực tế là cả hệ thống quản lý”.


Để tạm có được một cách hiểu thống nhất về đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh, OECD đã phát hành Cẩm nang về Đổi mới sáng tạo được gọi là Cẩm nang Oslo (2005, ấn bản thứ ba), trong đó đã nêu “đổi mới sáng tạo là việc thực hiện (implementation) một sản phẩm (hàng hóa hoặc dịch vụ) mới hoặc được cải tiến đáng kể; hoặc là quy trình, phương pháp marketing mới hoặc là phương pháp tổ chức mới trong hoạt động kinh doanh, trong tổ chức nơi làm việc hoặc trong quan hệ với bên ngoài”. Do đó, các hoạt động đổi mới sáng tạo bao gồm 04 nhóm là đổi mới sản phẩm (product innovation), đổi mới quy trình (process innovation), đổi mới tổ chức (organisational innovation) và đổi mới marketing (marketing innovation).


Như vậy, nếu chúng ta hiểu đổi mới công nghệ bao gồm đổi mới sản phẩm (product innovation) và đổi mới quy trình (process innovation) thì đổi mới sáng tạo rộng hơn, ngoài đổi mới công nghệ còn bao gồm cả đổi mới tổ chức (organisational innovation) và đổi mới marketing (marketing innovation). Định nghĩa này cũng phù hợp với các quan điểm như đã trình bày ở phần trên.


Theo định nghĩa này, các doanh nghiệp có thể phát triển đổi mới sáng tạo bằng nhiều cách khác nhau, có thể bằng các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D activities) hoặc các hoạt động không phải là nghiên cứu và phát triển (non-R&D activities), phản ánh quá trình khác nhau của sáng chế, phát minh và truyền bá công nghệ. Đặc biệt Cẩm nang Oslo lần đầu tiên đã đưa thêm khái niệm đổi mới tổ chức và đổi mới marketing trong các hoạt động đổi mới sáng tạo. Đổi mới tổ chức liên quan đến các phương pháp, thủ tục, quy trình, quy định mới cần được thực hiện trong nội bộ của doanh nghiệp cũng như các mối quan hệ bên ngoài của doanh nghiệp. Đổi mới marketing liên quan đến những phương pháp marketing như nghiên cứu thị trường, định vị sản phẩm, xây dựng chiến lược marketing, đổi mới thiết kế sản phẩm, bao bì, khuyến mãi, trưng bày và những phương pháp mới trong định giá sản phẩm và dịch vụ.




Posted

in

by

Tags:

Comments

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *